Trong thời đại công nghiệp 4.0, internet trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Ai cũng có thể dễ dàng truy cập internet để giao tiếp, học tập, giải trí, làm việc, sản xuất và tiêu dùng… mà không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển vượt bậc ấy, vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngày nay, bảo vệ an ninh mạng cũng chính là bảo vệ an ninh quốc gia. Và để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân đóng vai trò then chốt.
Không gian mạng tuy mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng internet, đặc biệt là mạng xã hội, để xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; lôi kéo, kích động, tập hợp lực lượng chống phá, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, tội phạm công nghệ cao cũng ngày càng gia tăng với nhiều hình thức như: lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; phát tán mã độc; tấn công mạng có chủ đích vào cơ quan, doanh nghiệp; mua bán hàng cấm; phát tán văn hóa phẩm độc hại; lan truyền tin giả, tin sai sự thật… gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống xã hội.
Trước thực tế đó, bảo vệ an ninh mạng không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước và các cơ quan chức năng, mà còn là nghĩa vụ của mỗi công dân. Để góp phần xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh, mỗi người dân cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, tìm hiểu, nắm vững Luật An ninh mạng. Luật An ninh mạng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của công dân khi tham gia môi trường mạng, đồng thời nêu ra các hành vi vi phạm và hình thức xử lý. Việc hiểu biết pháp luật giúp người dân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm phòng, chống các hành vi vi phạm an ninh mạng.
Thứ hai, nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Cần tỉnh táo trước các chiêu trò “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” được tuyên truyền qua các tổ chức, trang mạng phản động như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, RFA, BBC Tiếng Việt, VOA Tiếng Việt… Bên cạnh đó, người dân cần thận trọng với các website giả mạo ngân hàng, cơ quan nhà nước nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn phổ biến là lập địa chỉ website gần giống với địa chỉ thật, chỉ khác một vài chi tiết nhỏ khó phát hiện.
Ngoài ra, người dân cần đề cao cảnh giác với các lời mời đầu tư vào các dự án chứng khoán, tiền ảo lợi nhuận cao nhưng đầy rủi ro. Các đối tượng lừa đảo thường dựng lên hình ảnh giàu sang để đánh vào lòng tham của nạn nhân, sau đó chiếm đoạt tài sản và bỏ trốn.
Thứ ba, trang bị kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin. Người dân cần nhận diện các thủ đoạn tấn công mạng như gửi email, tin nhắn chứa mã độc nhằm chiếm đoạt dữ liệu, tài sản. Tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ, không cài đặt phần mềm crack, thường xuyên cập nhật hệ điều hành, phần mềm diệt virus, sao lưu dữ liệu định kỳ và chủ động kiểm tra lộ lọt thông tin cá nhân qua công cụ của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (https://khonggianmang.vn). Khi phát hiện có dấu hiệu bị tấn công mạng, cần nhanh chóng ngắt kết nối internet, sử dụng công cụ rà quét mã độc và thông báo cho cơ quan chức năng qua đường dây nóng.
Thứ tư, sử dụng mạng xã hội đúng đắn, có trách nhiệm. Mạng xã hội cần trở thành công cụ hữu ích để mở rộng tri thức, lan tỏa thông tin chính thống, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc. Mỗi người cần tỉnh táo trước những thông tin sai lệch, không chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, tránh để mạng xã hội trở thành công cụ tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ năm, tuyên truyền, vận động người thân, đặc biệt là trẻ em, vị thành niên. Cần trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về Luật An ninh mạng, giúp các em nhận thức đúng đắn, phòng tránh vi phạm và chung tay xây dựng môi trường mạng an toàn, trong sạch.
Với đặc tính không giới hạn về thời gian, không gian và phạm vi toàn cầu, không gian mạng mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức về an ninh, an toàn. Để bảo vệ không gian mạng, bên cạnh sự hoàn thiện chính sách, pháp luật và năng lực kỹ thuật của các doanh nghiệp, yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân. Mỗi cá nhân hãy hành động đúng đắn, chung tay xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia trong tình hình mới.